Chương trình phát triển tài sản trí tuệ - công cụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị, vị thế của sản phẩm địa phương

1 năm trước
89

Để triển khai hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020; gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XI, cụ thể là Đề án số 04-ĐA/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

 

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển TSTT tỉnh Bến tre đến năm 2030 (Chương trình). Với mục tiêu đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Bến Tre kết nối kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế; Chương trình đề ra 06 nhóm giải pháp chủ yếu: Tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT; Thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; Nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; Hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội.

 

Chương trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quán triệt đến tất cả các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố để thực hiện, lồng ghép nội dung SHTT cũng như những mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển của ngành, đơn vị, địa phương mình.

 

TS. Trần Lê Hồng (bên trái), Phó cục Trưởng Cục SHTT chủ trì Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm” tỉnh Tiền Giang năm 2022.

 

Thực hiện Chương trình, trong năm 2022 Sở KH&CN đã hỗ trợ, tư vấn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 142 lượt cá nhân, tổ chức. Trong đó: Số đơn đề nghị/văn bằng bảo hộ được cấp là 87/149 (sáng chế/giải pháp hữu ích là 01/00, kiểu dáng công nghiệp là 06/06, nhãn hiệu là 142/80), trong đó có 03 nhãn hiệu tập thể “Cẩm Sơn”, “An Thới”, “An Thạnh”. Công bố các nhãn hiệu cộng đồng (Sầu riêng Cái Mơn, Tôm càng xanh Bến Tre, Cua biển Bến Tre và Xoài Tứ Quý) nâng tổng số nhãn hiệu cộng đồng của Bến Tre lên 46 nhãn hiệu, trong đó: 06 chỉ dẫn địa lý, 09 nhãn hiệu chứng nhận, 31 nhãn hiệu tập thể.

 

Để hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Sở KH&CN cũng đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN: Xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý ”Bến Tre” dùng cho sản phẩm xoài tứ quý và nhãn hiệu chứng nhận cho biểu trưng của chỉ dẫn địa lý xoài tứ quý Bến Tre; tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm dừa xiêm xanh, bưởi da xanh và chỉ dẫn địa lý “Cái Mơn” dùng cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh Bến Tre tại thị trường nước ngoài; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm chôm chôm; tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho các sản phẩm Nghêu, Bò, Gà của tỉnh Bến Tre.

 

Nhằm thực hiện Chương trình cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT, đặc biệt là kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến SHTT, Công an tỉnh đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với lực lượng Hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến SHTT; duy trì công tác phối hợp với thuế, bảo hiểm và lực lượng Cảnh sát kinh tế của 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền SHTT.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ thực hiện đăng ký, đánh giá, phát triển, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực gắn với Chương trình OCOP. Đến nay tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 200 sản phẩm trong đó có 110 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

 

 

Ngoài ra, để đẩy mạnh kết nối cung cầu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm của tỉnh được bảo hộ SHTT; các Sở, ngành tỉnh có các hoạt động phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh (chợ ảo, sàn ảo) để nâng cao chất lượng các dịch vụ và tăng cường kết nối cung cầu về TSTT; tổ chức các hội nghị, hội chợ, hoạt động giao thương. Tỉnh đã khai thác, vận hành hiệu quả Sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre (https://bentretrade.vn); tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Lazada, Tiki, Shopee, Alibaba,...: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình bán hàng toàn cầu Amazon Global Selling do Bộ Công Thương và Amazon phối hợp thực hiện; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, chợ phiên online.

 

Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm dừa, bưởi Việt Nam tại Bến Tre do Bộ Công Thương chủ trì, kết quả có trên 30 doanh nghiệp tham gia trực tiếp 02 phiên tư vấn; Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Mexico 2022; các chương trình giao thương tại Thái Lan, các nước Châu Âu…; Đã hỗ trợ 02 đơn vị doanh nghiệp (Vĩnh Tiến, Lương Quới) tham gia Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống hàng đầu Châu Á - Thaifex năm 2022; hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Hội chợ tại Pháp; chương trình Giao thương xúc tiến thương mại tại thị trường Pháp và Hà Lan; Hỗ trợ một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trao đổi, kết nối giao thương với đại diện đối tác tại các nước Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Sec. Thực hiện tổ chức Đoàn xúc tiến sản phẩm nông thủy sản tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo năm 2022 tại Hà Nội.

 

Những kết quả trên cho thấy Chương trình phát triển TSTT của tỉnh đa dạng về nội dung, phương thức hỗ trợ, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các Sở, ngành, địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống SHTT của quốc gia.

 

Nhằm tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày SHTT thế giới”. Năm 2023 WIPO đã công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới là “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT đối với công chúng nói chung, cũng như tăng cường sự quan tâm đến lĩnh vực SHTT cho phụ nữ nói riêng, đề cao sức sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu và sử dụng hiệu quả công cụ SHTT.

 

Hơn bao giờ hết, SHTT đang đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế tri thức, các xu hướng công nghệ mới, kinh tế số, xã hội số của kỷ nguyên 4.0 đòi hỏi phải thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy TSTT; từ đó gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sáng tạo, của các doanh nghiệp.