Theo đó, chương trình đã đề ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030, đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
Một số chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 như: 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 50% sản phẩm gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể cho từ 20 sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP và sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mang địa danh địa phương. Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho ít nhất 2 giống cây trồng mới; 5 nhãn hiệu sản phẩm mang địa danh tỉnh; 1 sáng chế/giải pháp hữu ích; 2 kiểu dáng công nghiệp; 1 đơn quyền tác giả và quyền liên quan. 30% doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. 70% doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, trường cao đẳng, đại học, hợp tác xã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trong đó có 30% được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Sầu riêng Cái Mơn (Bến Tre). Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: thuonghieusanpham.vn |
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được đề ra như: tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Sở hữu trí tuệ được xác định là công cụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phâm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh. Từ đó tạo môi trường khuyên khích đôi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hỗ trợ tỉnh kết nối kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế.
Đến nay, Bến Tre có 5 Chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ gồm: Dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng Cái Mơn, cua biển và tôm càng xanh. Ngành Khoa học và Công nghệ đang xây dựng chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài cho dừa xiêm xanh, bưởi da xanh; ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm./.